Sau một thời gian vắng bóng, một lần nữa tựa game đầy hoài niệm này lại được hồi sinh với một hình thức mới mẻ hơn trên nền Mobile với cái tên Tân Võ Lâm. Do chính tay "cha đỡ đầu" VNG phát hành, liệu chiếc "bình mới" của ngày hôm nay có còn chứa đựng hương vị "rượu cũ" năm xưa hay không?

Hương vị Võ Lâm gợi lên nhiều kỷ niệm

Nhắc đến Võ Lâm Truyền Kỳ ngày xưa, điều gì sẽ khiến người chơi lưu luyến nhất? Nếu không xét đến những trận PK nảy lửa, những lần rong ngựa đi khắp thảo nguyên, những buổi offline thắt chặt tình yêu, tình bằng hữu từ game ra đời thực... thì chắc chắn chính những địa danh và tên người là những "cột mốc" để nhớ về game.

Tân Võ Lâm chọn cho mình lối chơi nhập vai - thẻ tướng tương tự các sản phẩm hot trên Mobile như DotA Truyền Kỳ, Hero Charge, Magic Rush: Heroes... thế nhưng ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, game đã gợi ngay đến Võ Lâm Truyền Kỳ khi cho người chơi điều khiển các vị tướng "vang danh một thuở" với tư cách là những con "boss Hoàng Kim" của game năm xưa như Đường Bất Nhiễm, Huyền Giác...

Chưa dừng lại ở đó, các ải phụ bản mà người chơi phải đi qua đều mang tên những địa danh tràn đầy kỷ niệm như Giang Tân Thôn, Ba Lăng Huyện... Có thể với dáng vẻ mới, những vị tướng và những địa danh này chưa gợi lên được điều gì thân thuộc, thế nhưng chính nhờ những cái tên mà năm xưa mỗi người đều nhìn thấy không biết bao nhiêu lần, mà chúng ta có thể cảm nhận rõ rệt rằng: "Đây chính là Tân Võ Lâm - một Võ Lâm Truyền Kỳ nay đã sống lại!"

Hệ thống chiến đấu trong Tân Võ Lâm mô phỏng theo DotA Truyền Kỳ, khi một đội hình 5 tướng sẽ chia thành 3 vị trí trước - giữa - sau để dàn trận đối địch. Khi thanh nội lực đầy, các tướng có thể sử dụng những tuyệt chiêu cuối cực mạnh để tiêu diệt địch. Một lần nữa, những cái tên vừa "bá đạo" vừa thân thuộc như Đạt Ma Độ Giang, Phong Sương Toái Ảnh, Tam Nga Tề Tuyết... lại nhắc nhở người chơi rằng "chúng ta đã trở lại với Võ Lâm Truyền Kỳ của ngày xưa thân quen ấy".

Đồ họa: Một "chiếc áo mới" khác biệt hoàn toàn

Là một tựa gMO, lẽ dĩ nhiên Tân Võ Lâm không thể nào giống với Võ Lâm Truyền Kỳ - một tựa game cũ kỹ cách đây 10 năm được. Đã thay đổi cả lối chơi lẫn phong cách tạo hình, lẽ dĩ nhiên Tân Võ Lâm phải mang một diện mạo hoàn toàn khác biệt.

Chọn cho mình cách thể hiện nhân vật dạng chibi khá phổ biến với game Mobile, Tân Võ Lâm đã tái hiện lại những con "boss Hoàng Kim" bá đạo năm nào với những hình hài mới thật sự thú vị và dễ thương. Chẳng hạn như "Huyền Giác đại sư" - nỗi ác mộng của các team săn boss năm nào với các tuyệt chiêu Sư Tử Hống và "Đấm phát chết luôn" nay lại được mô tả như một vị sư già chất phác, hiền lành, có phần vui tính.

Phần giao diện trong thành của Tân Võ Lâm được thiết kế khá trực quan và dễ nhìn, với những nút mở tính năng được thể hiện dưới dạng các công trình đậm chất cổ phác kiểu Trung Quốc. Sử dụng tông màu khá nhã mắt và êm dịu, giao diện chung của Tân Võ Lâm có thể coi là khá thành công so với các tựa game thẻ tướng khác trên Mobile.

Trong những trận chiến đấu, phần cảnh nền (background) của các đấu trường có vẻ hơi sơ sài, thiếu chỉn chu. Tuy nhiên, nếu xét đến khía cạnh mỹ thuật khi chúng được tạo ra nhằm "tôn" các nhân vật và hiệu ứng chiêu thức lên thì có thể hiểu rằng đây là một dạng thủ pháp đối sánh khá khéo léo.

Phần diễn hoạt nhân vật trong Tân Võ Lâm được thể hiện khá ổn thỏa, khi các nhân vật tuy là dạng chibi như vẫn có thể biểu diễn các tư thế di chuyển, tấn công, ăn mừng chiến thắng khá mượt mà và linh hoạt. Các hiệu ứng chiêu thức cũng được đầu tư tới nơi tới chốn, khiến cho người chơi cảm nhận được rõ rệt chất kịch tính trong từng trận đánh, dù là với bọn lục lâm thảo khấu hay với... nhím và heo.

Một bản sao của DotA Truyền Kỳ?

Ngay từ những giây phút đầu tiên khi tiếp xúc với Tân Võ Lâm, người viết đã có những cảm giác rất kỳ lạ rằng game có nhiều điểm tương đồng với DotA Truyền Kỳ đến lạ lùng. Bởi vì người viết có thâm niên chơi DotA Truyền Kỳ đến một năm rưỡi trước khi nghỉ game, do đó đây không phải là một cảm giác kiểu "ngờ ngợ" vô căn cứ được.

Từ màn đầu tiên giới thiệu khi cho các team tướng khủng đánh với nhau, cách bố trí giao diện chiến đấu, cách tích lũy thể hiện tuyệt chiêu... cho đến cách phân chia "màu" và "sao" của tướng, tất cả đều gợi lên những điểm tương đồng với DotA Truyền Kỳ.

Mãi cho đến giai đoạn được trao toàn quyền điều khiển và xem qua giao diện trong thành, cách bố trí nút lệnh và bảng Menu, người viết lại càng có lòng tin về việc Tân Võ Lâm sao chép ý tưởng của DotA Truyền Kỳ. Đỉnh điểm của nghi vấn này xuất hiện khi người viết xem thử qua danh sách kỹ năng của các tướng và vỡ lẽ ra thật sự nghi vấn của mình không sai: Tân Võ Lâm sao chép DotA Truyền Kỳ không chỉ ở lối chơi, giao diện, hệ thống lên cấp mà còn cả các tướng và bộ kỹ năng nữa!

Đơn cử, tướng Huyền Từ trong Tân Võ Lâm chính là bản sao hoàn hảo của Kunkka trong DotA Truyền Kỳ, khi tuyệt chiêu cuối Đạt Ma Độ Giang đánh ra hình sư khổng lồ bay xuyên team địch, gây sát thương và làm choáng chính là mô phỏng của Tàu Ma. Kỹ năng thứ hai hất tung một tướng địch, kỹ năng thứ ba là chém lan, và kỹ năng cuối cùng là nội tại tăng Lực chính là bản sao chép 100% của Kunkka - thậm chí tư thế 2 tay chống nạnh cười ha hả khi ăn mừng chiến thắng cũng không nhầm vào đâu được.

Điểm qua các tướng khác, thì có thể thấy ngay rằng "boss Hoàng Kim Đường Môn" Đường Bất Nhiễm năm nào chính là bản sao của Traxex, Diệu Như là Enchan, Thanh Tuyệt Sư Thái là Omni, Hà Linh Phiêu là Rylai...

Sau khi tìm hiểu, được biết Tân Võ Lâm là một sản phẩm của 568e.vn, do hãng "tự nghiên cứu và thiết kế". Tuy chưa biết phần asset hình ảnh của game là do tự vẽ, mua tài nguyên hay... "mượn" ở đâu đó về, nhưng phần nội dung của Tân Võ Lâm sao chép từ DotA Truyền Kỳ từ A-Z là chuyện không cần bàn cãi thêm.

---

Có phần lối chơi và hệ thống cốt lõi vay mượn từ DotA Truyền Kỳ - một game thẻ tướng mobile đã quá ăn khách tại Việt Nam, đính kèm cái "mác" Võ Lâm Truyền Kỳ, Tân Võ Lâm thật sự có nhiều cơ sở để trở thành một cái tên "hot" trong làng game mobile Việt trong thời gian tới.

Tạm bỏ qua việc game thiếu tính nguyên bản, thì dù sao đây cũng là một món quà quý giá của VNG dành cho lượng fan đông đảo của Võ Lâm Truyền Kỳ và DotA Truyền Kỳ, những dòng sản phẩm "thương hiệu" của hãng. Nếu đây là sách lược kinh doanh và phát triển mới của VNG cho năm 2016, thì cũng có thể coi là hãng đã đạt được những thành công bước đầu.
Theo: gamenoob.net​