Việc chuẩn đoán và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối là hết sức cần thiết, ngay khi phát hiện ra mình bị bệnh thoái hóa khớp gối bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị nếu không sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu để lâu bệnh còn có thể khiến người bệnh bị liệt hoàn toàn. Dưới đây là những thông tin về chuẩn đoán và điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bệnh nhân nên biết.



1. Điều trị

Mục tiêu điều trị:

- Giảm đau.
- Duy trì và tăng khả năng vận động.
- Hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.
- Tránh các tác dụng phụ của thuốc.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1.1Điều trị nội khoa

1.1.1. Các biện pháp không dùng thuốc

-Giáo dục bệnh nhân:tránh cho khớp bị quá tải bởi vận động và trọng lượng, giảm trọng lượng với các BN béo phì. Sửa chữa các tư thế xấu gây lệch trục khớp.

- Vật lý trị liệu:có tác dụng giảm đau, duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị các đau gân và cơ kết hợp. Nhiệt điều trị: Siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.

1.1.2. Các thuốc điều trị

* Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh:

- Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của tổ chức y tế thế giới acetaminophen (paracetamol, efferalgan), efferalgan codein, morphin. Ví dụ dùng paracetamol viên 0,5g liều từ 1-3g/ngày. Tuỳ theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

- Chống viêm không steroids khi bệnh nhân đau nhiều: chọn một trong số thuốc sau (lưu ý tuyệt đối không phối hợp thuốc trong nhóm vì không tăng tác dụng điều trị mà lại có nhiều tác dụng phụ):

+ Diclofenac (Votaren) viên 50 mg: 2 viên/ngày chia 2 hoặc viên 75 mg 1 viên/ngày sau ăn no. Có thể sử dụng dạng ống tiêm bắp 75 mg/ngày trong 2-4 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

+ Meloxicam (Mobic) viên 7,5 mg: 2 viên/ngày sau ăn no hoặc dạng ống tiêm bắp 15 mg/ngày x 2- 4 ngày nếu bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

+ Piroxicam (Felden) viên hay ống 20 mg, uống 1 viên /ngày uống sau ăn no hoặc tiêm bắp ngày 1 ống trong 2-4 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

+ Celecoxib (Celebrex) viên 200 mg liều 1 đến 2 viên/ngày sau ăn no. Không nên dùng cho bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và thận trọng hơn ở người cao tuổi.

+Thuốc bôi ngoài da: các loại gel như Voltaren Emugel, Profenid gel... có tác dụng giảm đau đáng kể và không gây ra các tác dụng phụ như dùng đường toàn thân. Bôi tại khớp gối đau 2-3 lần/ ngày.

- Corticosteroid:

+ Đường toàn thân: không có chỉ định.

+ Đường nội khớp: có hiệu quả ngắn đối với các triệu chứng cơ năng của THK. Thường dùng hydrocortison acetat, methylprednisolon(Depo- Medrol) tiêm khớp gối, mỗi đợt 2 mũi tiêm cách nhau 5-7 ngày, không vượt quá 3 mũi tiêm mỗi đợt.



Các chế phẩm chậm: DepoMedrol (Methyl prednisolon acetate) 40mg, Diprospan (betamethasone dipropionate) 2mg tiêm mỗi mũi cách nhau 1-2 tuần và không tiêm quá 2 đợt 1 năm.

* Thuốc điều trị theo cơ chế bệnh sinh (DMOADs- Disease Modifying Osteoarthritis Drugs):

là nhóm thuốc điều trị tác dụng chậm, sau một thời gian dài (trung bình 1 tháng) và hiệu quả này được duy trì cả sau khi ngừng điều trị (sau vài tuần đến 2-3 tháng). Dung nạp thuốc tốt, rất ít tác dụng phụ.

- Glucosamine sulfate: sử dụng đường uống 1,5g/ ngày như viên 250 mg uống 4 viên/1ngày x 6-8 tuần hoặc gói 1,5g uống 1 gói/ngày x 4-6 tuần hoặc kéo dài hơn tùy đáp ứng.

- Chondroitin sulfate.
- Phối hợp giữa glucosamine và chondroitin.
- Diacerhein 50mg uống 1-3 viên/ngày.

* Bổ sung chất nhày dịch khớp

Bản chất là acid hyaluronic dưới dạng natri hyaluronat như Go On, Hyalgan, Hyasin...tiêm khớp gối với liệu trình 1 ống/gối/ tuần trong 3- 5 tuần liền.

* Nhóm bisphosphonate(Alendronate, Risedronate, Pamidronate…)

Nhóm Bisphosphonates hiện đang được dùng để điều trị bệnh loãng xuơng nhưng cũng có tác dụng trong điều trị THK (một số nghiên cứu cho tác dụng khá tốt).

- Tiêm huyết thanh tươi giàu tiểu cầu tự thân: Đây là một trong phương pháp mới điều trị thoái hóa khớp gối rất hiệu quả, chỉ định ở những bệnh thoái hóa khớp gối độ I, II, III.

1.2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, hoặc đau khớp kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa.
* Điều trị dưới nội soi khớp(NSK)

Được áp dụng điều trị THK gối tiến triển, đặc biệt trong những trường hợp BN lớn tuổi hoặc không có điều kiện thay khớp vì nhiều lý do khác nhau: bào khớp, rửa khớp làm sạch khớp.

* Phương phápđục xương chỉnh trục(osteotomy)

Phẫu thuật nhằm sửa chữa sự biến dạng trục khớp và cải biến điểm tỳ của khớp, di chuyển trục chịu tảiđể khớp ít bị phá huỷ nhất, áp dụng chonhững BN bị lệch trục khớp như khớp gối vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài. Đau có thể được cải thiện khi tư thế tốt làm cho sụn khớp tốt hơn. Phương pháp này vừa là dự phòng, vừa để điều trị THK gối.

* Phẫu thuật thay khớp nhân tạo

Từng phần hoặc toàn phần: chỉ định ở các thể nặng tiến triển, giảm nhiều chức năng vận động, các phương pháp điều trị trên không cải thiện phục hồi chức năng khớp.

1.3. Một số phương pháp đã áp dụng bước đầu cho kết quả khả quan hoặc đang nghiên cứu:

- Phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma- PRP): nhiều nghiên cứu đã chứng minh cho kết quả tốt hơn, lâu dài hơn liệu pháp bổ xung chất nhờn dịch khớp.

- Phương pháp cấy ghép tế bào gốc tự thân từ tủy xương hoặc tế bào gốc nguồn gốc mô mỡ.

- Cấy tế bào sụn tự thân- ghép sụn qua nội soi khớp; phương pháp vi gãy.